Thuế tối thiểu toàn cầu tác động đối với Việt Nam

Email: info@ifa.com.vn

Hotline: 0909294209

Thuế tối thiểu toàn cầu tác động đối với Việt Nam
16/08/2024 03:18 PM 201 Lượt xem

    Thuế tối thiểu toàn cầu đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ cả cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài và các quốc gia nhận đầu tư. Với vai trò là điểm đến hấp dẫn cho nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam được dự đoán sẽ chịu tác động đáng kể từ việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xúc tiến, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

    Khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào đầu năm 2024, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các biện pháp để ứng phó và giảm thiểu các tác động bất lợi từ cơ chế mới này. Bài viết này, IFA sẽ tổng hợp thông tin chi tiết về những điểm chính của thuế tối thiểu toàn cầu tác động đối với Việt Nam

    Thuế tối thiểu toàn cầu tác động đối với Việt Nam là gì?

    Thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (hay còn gọi là Thuế tối thiểu toàn cầu) là một trong hai trụ cột chính của Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS), được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng vào tháng 6/2013.

    Thuế tối thiểu toàn cầu tác động đối với Việt Nam là gì?

    Mức thuế tối thiểu toàn cầu được quy định là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu EUR (800 triệu USD) trong ít nhất hai năm của bốn năm liên tiếp gần nhất.

    Các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang thực hiện các động thái thay đổi chính sách thuế để duy trì sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nếu cơ chế mới chính thức có hiệu lực.

    >>> Xem thêm: Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp năm 2024

    Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu

    Tác động lớn nhất có thể kể đến là sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam có thể bị giảm sút do những thay đổi của chính sách thuế. Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: (i) Ưu đãi về thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); (ii) Miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); (iii) Cho phép chuyển lỗ khi tính doanh thu chịu thuế (trong vòng 5 năm); (iv) Miễn thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; (vi) Hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; (vii) Cho phép được khấu hao nhanh hay những ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất khác… Các ưu đãi thuế này giúp cho thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của các doanh nghiệp FDI chỉ là khoảng 11 – 14% (Bảng 1).

    Bảng 1: Thuế suất thực hiệu dụng với các doanh nghiệp FDI

    Năm

    DN FDI/ Tổng số DN (%)

    Tỷ lệ DN FDI có lãi (%)

    Thuế suất TNDN thực hiệu dụng với DN FDI (%)

    Thuế suất thuế TNDN phổ thông danh nghĩa (%)

    2011

    3,13

    56,36

    14,14

    25

    2012

    2,54

    51,35

    12,85

    25

    2013

    2,66

    50,85

    14,14

    25

    2014

    2,66

    51,08

    13,25

    22

    2015

    2,62

    51,66

    13,23

    22

    2016

    2,71

    51,56

    11,72

    20

    2017

    2,62

    55,32

    11,68

    20

    2018

    2,63

    53,04

    12,08

    20

    2019

    2,76

    52,61

    11,95

    20

    2020

    1,44

    63,05

    12,90

    20

    Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam sẽ phải nộp bổ sung phần chênh lệch so với mức thuế 15% cho quốc gia nơi đặt trụ sở chính, do đó, lợi ích từ ưu đãi thuế trước đây mà họ được hưởng/có thể được hưởng ở Việt Nam sẽ không còn hoặc bị giảm đi đáng kể. Rõ ràng, điều này khiến sự hấp dẫn về thuế khi đầu tư vào Việt Nam với những “ông lớn” FDI không còn nữa và vì vậy có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam trong thời gian sắp tới. Tuy thuế tối thiểu toàn cầu chỉ áp đặt đối với những công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng ở chừng mực nào đó, rất có thể những doanh nghiệp FDI nhỏ nhưng nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia lớn cũng sẽ chịu những ảnh hưởng gián tiếp (Vũ Sỹ Cường và cộng sự, 2023).

    Việc các quốc gia áp dụng chính sách thuế này đặt ra các vấn đề một số vấn đề sau với thu hút FDI tại Việt Nam:

    Thứ nhất, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam trong ngắn hạn. Theo thống kê của Bộ Tài chính (2023), hiện có khoảng 1.017 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có ít nhất trên 100 doanh nghiệp lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu). Tại Việt Nam, ưu đãi thuế là một công cụ để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Thuế TNDN phổ thông ở mức 20%, nhưng doanh nghiệp FDI được ưu đãi, giảm còn 12,3%. Với doanh nghiệp FDI lớn, sắc thuế này ở mức 10% trong cả đời dự án, miễn trong 4 năm đầu tiên, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Song, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về quốc gia mẹ hoặc tại Việt Nam nếu đang được hưởng mức thuế suất hữu dụng thực tế tại Việt Nam thấp hơn 15%. Điều này khiến các biện pháp ưu đãi thuế của Việt Nam không còn mang lại nhiều tác dụng, từ đó làm giảm cạnh tranh trong thu hút FDI.

    Thứ hai, các DN của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Việt Nam cũng có các doanh nghiệp ra nước ngoài như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Vingroup, Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các Ngân hàng thương mại. Theo quy tắc của OECD (2021), Việt Nam có quyền đánh thuế bổ sung đối với các DN Việt Nam nếu thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu và đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15% tại các nước khác.

    Thứ ba, các chính sách thu hút đầu tư FDI qua ưu đãi thuế cần được xem xét lại. Các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu chỉ phát huy hiệu quả cao về thu ngân sách khi Việt Nam có trụ sở của nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo tính toán của Tổng cục Thuế, DN có doanh thu hợp nhất 750 triệu Euro và có trụ sở công ty mẹ tối cao tại Việt Nam chỉ là các DN của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam lại đang là điểm đến của rất nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn do chính sách về ưu đãi thuế hấp dẫn, chính trị ổn định, ưu đãi về nguồn lao động.

    Như vậy, nếu chính sách ưu đãi thuế khiến cho ETR của các công ty con này dưới 15% thì các nước tại công ty mẹ sẽ có quyền thu phần thuế thiếu này. Việt Nam đứng trước nguy cơ chính sách thuế ưu đãi thuế cho DN FDI không còn hấp dẫn do phần thuế thiếu bị quốc gia có công ty mẹ thu bổ sung. Tuy nhiên, không phải tất cả các biện pháp ưu đãi thuế đều bị ảnh hưởng. Theo OECD (2021), chính sách bị ảnh hưởng nhiều nhất là miễn thuế, giảm thuế suất, tín dụng thuế. Các chính sách ít bị ảnh hưởng là khấu hao nhanh cho tài sản vô hình; khuyến khích chi cho khoa học công nghệ.

    Thứ tư, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm phát sinh một số bất đồng, tranh chấp với một số đối tác, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, khi áp dụng có thể làm phát sinh một số chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tiến độ triển khai phụ thuộc vào năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương liên quan

    Một số giải pháp đề xuất

    Để tận dụng cơ hội và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút FDI, Việt Nam cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:

    Đầy nhanh các nghiên cứu chính sách và giải pháp

    Thứ nhất, đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu các chính sách và giải pháp cho việc thực thi quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu để không bị đánh mất quyền thu thuế, đồng thời bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam và tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

    Nếu không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế. Vì khi đó, các quốc gia đầu tư như: Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung (nếu phát sinh) của DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

    Nghiên cứu kỹ các quy tắc và hướng dẫn của OECD

    Thứ hai, nghiên cứu kỹ các quy tắc và hướng dẫn của OECD, xem xét xây dựng và ban hành quy định chính sách thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax - QDMTT) như là một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế, thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác. Quy định về thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn có thể được xem như một cơ chế thuế song song với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

    >>> Xem thêm: Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam 

    Rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI

    Thứ ba, rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI từ hướng ưu đãi về thuế sang hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đào tạo lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống các DN vệ tinh, phụ trợ...

    Bài viết trên, IFA đã tổng hợp đầy đủ các thông tin thuế tối thiểu toàn cầu tác động đối với Việt Nam. Để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhằm tăng cường sự gắn kết và sức cộng hưởng giữa quốc gia và các nhà đầu tư trong thời gian tới.

    Zalo
    Hotline

    Báo Giá