1. Kiểm toán là gì?
Kiểm toán là hoạt động thu thập, đánh giá, xác thực các bằng chứng về thông tin tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra kết luận về tính trung thực, hợp lý của thông tin tài chính đó so với các chuẩn mực đã được thiết lập.
Qua quy trình kiểm toán, những chuyên viên kiểm toán có thể cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy về tình hình tài chính của các doanh nghiệp và tổ chức. Báo cáo tài chính là một phần quan trọng của quá trình này, bao gồm các thành phần như bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, cùng với các chính sách kế toán quan trọng và thông tin bổ sung khác.
Kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự minh bạch và tin cậy trong các hoạt động tài chính của tổ chức, giúp bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, cổ đông, và các bên liên quan khác.
2. Những loại kiểm toán phân theo hình thức tổ chức
2.1 Kiểm toán nhà nước:
Do Kiểm toán nhà nước thực hiện, có chức năng kiểm tra, đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính nhà nước, tài sản nhà nước và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2.2 Kiểm toán độc lập:
Được thực hiện bởi các kiểm toán viên thuộc các công ty độc lập chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán. Nhiệm vụ chính của các kiểm toán viên là kiểm toán những báo cáo tài chính, các công ty độc lập có thể sẽ cung cấp một số dịch vụ khác về tài chính và kinh tế, tùy thuộc theo yêu cầu của khách hàng. Các công ty kiểm toán này nhận được sự tin cậy của bên thứ ba hoặc nhà đầu tư.
2.3 Kiểm toán nội bộ:
Do các kiểm toán viên trong nội bộ tổ chức thực hiện theo yêu cầu của ban Quản trị hoặc Ban Giám đốc. Tuy nhiên, kiểm toán nội bộ thường được áp dụng trong nội bộ công ty mà ít nhận được sự tin cậy từ bên ngoài do người thực hiện kiểm toán là nhân viên trong công ty và làm việc dưới sự chỉ đạo của cấp trên.
3. Những công việc kiểm toán viên cần thực hiện
3.1. Lập ra kế hoạch kiểm toán
Khâu đầu tiên và rất quan trọng của kiểm toán là lập kế hoạch nhằm định hướng cho toàn bộ hoạt động sau này. Nếu kiểm toán viên lập kế hoạch kiểm toán tốt, mọi công việc sẽ diễn ra suôn sẻ, dễ dàng ứng phó với các tình huống phát sinh. Kế hoạch kiểm toán giúp kiểm toán viên:
- Xác định rõ mục tiêu của cuộc kiểm toán và những vấn đề cần được kiểm toán.
- Xác định phạm vi kiểm toán phù hợp với mục tiêu.
- Lập kế hoạch thực hiện cuộc kiểm toán, bao gồm lịch trình, phương pháp và nguồn lực cần thiết.
- Giảm thiểu rủi ro kiểm toán.
3.2. Xây dựng nên chương trình kiểm toán
Việc xây dựng chương trình kiểm toán giúp kiểm toán viên thực hiện công việc chặt chẽ và chính xác. Để có thể xây dựng nên chương trình kiểm toán, kiểm toán viên cần phải xác định số lượng và thứ tự các bước, các công việc cần làm kể từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc công việc kiểm toán.
3.3. Thu thập thông tin bằng các phương pháp kiểm toán khác nhau
Sử dụng các phương pháp kiểm toán để thu thập thông tin là công việc trọng tâm của kiểm toán viên, cụ thể như sau:
- Kiểm toán cân đối: Dựa trên các phương trình kế toán để kiểm toán.
- Đối chiếu trực tiếp: Dựa trên các nguồn tài liệu khác nhau để đối chiếu một chỉ tiêu.
- Đối chiếu logic: Nghiên cứu các mối quan hệ giữa các chỉ tiêu có quan hệ với nhau.
- Điều tra: Dùng các cách khác nhau để tiếp cận và đánh giá các đối tượng kiểm toán.
- Trắc nghiệm: Tái diễn các hoạt động nghiệp vụ để xác minh lại kết quả của một quá trình, một sự việc đã qua.
3.4. Ghi chép thông tin kiểm toán
Mọi thông tin thu thập được liên quan đến nhận định và con số, sự kiện đều cần kiểm toán viên phải ghi chép lại. Nó giúp kiểm toán viên lưu giữ hồ sơ về các công việc đã thực hiện, các kết luận và các khuyến nghị đã đưa ra. Ghi chép lại các nhận định cũng giúp kiểm toán viên bảo vệ mình khỏi các khiếu nại hoặc tranh chấp.
3.5. Đưa ra kết luận và lập báo cáo
Cuối cùng, kiểm toán viên có trách nhiệm đưa ra kết luận kiểm toán. Kết luận này cần được thể hiện ở biên bản hoặc báo cáo kiểm toán. Để đưa ra được kết luận chính xác, kiểm toán viên cần phải:
- Xem xét các khoản nợ phát sinh ngoài dự kiến.
- Xem xét các sự kiện xảy ra sau khi kết thúc sự kiện.
- Đánh giá tính liên tục trong hoạt động của đơn vị.
- Tập hợp thư giải trình từ Ban Giám đốc.
Sau khi đã đưa ra kết luận, kiểm toán viên cần tổng kết các kết quả và lập thành báo cáo kiểm toán, để từ đó đưa ra kết luận cuối cùng về báo cáo tài chính của một tổ chức hoặc doanh nghiệp.